Mới nhất về Covid-19: Hà Nội tăng ca mắc, biến thể ở Thái Lan lây nhanh gấp 7 lần cúm
– Tình hình Covid -19 những ngày gần đây gia tăng trở lại nên cộng đồng cần chú ý quan tâm không quá lo lắng nhưng không chủ quan.
Thông tin về số ca nhiễm Covid-19 gần đây gia tăng trở lại đã trở thành mối quan tâm của nhiều người. Sau khi có thông tin có ổ dịch tại 1 trường THPT ở Bà Rịa- Vũng Tàu thì mới nhất Hà Nội cũng ghi nhận số ca Covid tăng.
Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19
Ngày 21.5, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội cho hay bệnh viện ghi nhận sự gia tăng các ca mắc các bệnh truyền nhiễm, bao gồm sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19. Ngày 21.5, tại bệnh viện Thanh Nhàn có 6 ca bệnh Covid-19 điều trị nội trú trong số 12 ca bệnh nhập viện trong 2 tuần qua. Đặc biệt trong số đó có trường hợp là bệnh nhi.
Bệnh viện Thanh Nhàn đã lập các khu cách ly riêng biệt cho từng nhóm bệnh nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân và tăng cường sát khuẩn, sàng lọc, phân luồng bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh bệnh viện cung cấp
Người dân chú ý Covid-19 tuy đã giảm về mức độ nghiêm trọng, nhưng vẫn ghi nhận những ca có diễn biến nặng. Những trường hợp người cao tuổi, người chưa tiêm vaccine có thể diễn tiến nặng hơn.
Liên quan tới các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội cho biết, tính từ đầu năm 2025 tới ngày 16/5 có 37 ca mắc Covid-19, không có tử vong, giảm so với cùng kỳ năm 2024 (637 ca mắc, không có tử vong). Từ ngày 9 tới 16/5 Hà Nội có 23 ca mắc Covid-19.
Biến thể Covid-19 tại Thái Lan lây nhanh gấp 7 lần cúm
Gần đây số ca mắc Covid -19 ở Thái Lan gia tăng, với biến thể XEC, một nhánh phụ của Omicron. Tiến sĩ Teera Woratanarat là giảng viên Y khoa tại Đại học Chulalongkorn đã cho biết rằng chủng Covid biến thể XEC có tốc độ lây lan gần gấp 7 lần bệnh cúm.
Chỉ số lây lan thường được xem thông qua chỉ số R0 (số ca lây nhiễm trung bình từ một người bệnh trong quần thể chưa có miễn dịch). Chỉ số này ở cúm mùa là 1,3 đến 1,8 nghĩa là mỗi người bị cúm mùa có thể lây cho từ 1 đến 2 người khác trong điều kiện bình thường.
Từ tháng 1/2025 tới nay Thái Lan đã ghi nhận hơn 108.000 ca nhiễm XEC và 27 trường hợp tử vong.
Biến thể Covid ở Thái Lan lây nhanh gấp 7 lần cúm mùa
Những trường hợp tử vong thường thuộc nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai, trong đó riêng người già chiếm tới 80% tổng số ca tử vong.
Biến thể XEC không gây triệu chứng nghiêm trọng như các chủng trước đó nhưng tốc độ lây nhiễm nhanh khiến XEC trở thành mối lo ngại với các nhóm dân số nguy cơ cao.
Bởi thế người dân không nên chủ quan và tiếp tục duy trì biện pháp phòng ngừa. Tỷ lệ tử vong của Covid biến thể XEC tương đối thấp nhưng chúng vẫn có khả năng gây quá tải hệ thống y tế nếu số ca nhiễm tăng quá nhanh trong thời gian ngắn.
Hơn nữa nếu cùng nhiễm Covid-19 với các loại virus hoặc vi khuẩn khác thì sẽ là tăng nguy cơ bệnh trở nặng và biến chứng có thể xảy ra.
COVID-19 âm thầm gia tăng trở lại, làn sóng mới lan rộng ở một số nước châu Á?
Tình hình Covid-19 thời gian gần đây đang gây lo ngại khi có dấu hiệu gia tăng trở lại. Liệu chúng có gây thành dịch như trước đây?
COVID-19 đang có dấu hiệu quay trở lại tại một số nơi như Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc đại lục, Singapore và Thái Lan. Số ca mắc mới và ca bệnh gia tăng, cho thấy làn sóng dịch mới đang âm thầm lan rộng. Đáng chú ý, đợt bùng phát lần này diễn ra vào mùa hè – trái ngược với giả định trước đó rằng COVID-19 sẽ suy yếu trong thời tiết ấm áp như cúm mùa.
Ca mắc và tử vong gia tăng đáng kể
Tại Hong Kong, tình hình dịch bệnh đang được các cơ quan y tế theo dõi sát sao. Theo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong, tỷ lệ mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính hiện đã chạm mức cao nhất trong hơn một năm qua. Trong tuần kết thúc ngày 3/5, thành phố ghi nhận tới 31 ca bệnh nặng – con số cao nhất trong 12 tháng trở lại đây. Một số ca tử vong cũng đã xảy ra, chủ yếu ở người cao tuổi trên 65 tuổi.

Ngoài ra, kết quả giám sát nước thải cho thấy nồng độ virus tăng cao, phản ánh mức độ lây lan trong cộng đồng. Theo ông Albert Au – đại diện Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe, hoạt động của virus hiện ở mức “khá cao”, dựa trên số ca nhập viện và kết quả giám sát môi trường.
Số ca nhiễm ở trẻ nhỏ cũng đang tăng nhanh, đặc biệt là ở nhóm chưa được tiêm chủng. Các chuyên gia dự đoán làn sóng này sẽ đạt đỉnh trong vòng 2–3 tuần tới và có thể kéo dài đến 3 tháng.
Không chỉ ảnh hưởng đến y tế, làn sóng dịch mới còn tác động đến các hoạt động văn hóa – giải trí. Ca sĩ nổi tiếng Trần Dịch Tấn (Eason Chan) buộc phải hủy buổi biểu diễn tại Đài Loan sau khi nhiễm COVID-19, điều này càng làm gia tăng nhận thức cộng đồng về rủi ro dịch bệnh và tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa.
Singapore tăng mạnh ca bệnh, chính phủ lên tiếng khuyến cáo
Tại Singapore, Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 trong tuần kết thúc ngày 3/5 đã tăng 28%, lên đến 14.200 trường hợp. Số ca phải nhập viện cũng tăng khoảng 30%. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong gần một năm, Singapore công bố số liệu theo hình thức như vậy – vốn chỉ được áp dụng trong những thời điểm dịch bệnh đáng lo ngại.
Đến hiện nay chưa phát hiện biến thể mới nguy hiểm và các cơ quan chức năng cho rằng tình trạng lây lan hiện nay chủ yếu do miễn dịch cộng đồng suy giảm, vì người dân đã lâu không tiêm mũi nhắc lại hoặc không tiếp xúc với virus. Chính phủ Singapore đang khuyến nghị khẩn cấp các nhóm dễ tổn thương – như người cao tuổi và người có bệnh nền – nên tiêm mũi vắc xin tăng cường càng sớm càng tốt.
Thái Lan ghi nhận sự gia tăng của biến thể Omicron XEC
Tại Thái Lan, Bộ Khoa học Y tế đã ghi nhận sự xuất hiện ngày càng phổ biến của biến thể mới mang tên Omicron XEC trong tháng 1 và tháng 2 năm nay. Đây là chủng tái tổ hợp giữa hai biến thể phụ của Omicron là KS.1.1 (còn gọi là FLiRT) và KP.3.3 (FLuQE), lần đầu tiên được phát hiện ở Đức vào tháng 6/2024.
Biến thể XEC mang nhiều đột biến cho phép lây lan nhanh hơn đáng kể. Hiện nay, XEC đã được phát hiện tại ít nhất 15 quốc gia trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Theo dữ liệu từ Mỹ, Anh và Trung Quốc, biến thể này có tốc độ lây lan cao hơn 84–110% so với các dòng phụ Omicron khác, chiếm tới 10–20% các ca mắc mới tại một số khu vực.
Hơn 550 chuỗi gene của biến thể XEC đã được ghi nhận trên toàn cầu, cho thấy tốc độ lan rộng đáng báo động.
Bộ Y tế Việt Nam đề nghị chuẩn bị sẵn sàng phương án
Việt Nam ghi nhận từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận tổng cộng 148 ca mắc COVID-19 rải rác tại 27 tỉnh nhưng không có ca nghiêm trọng. Tình hình đực kiểm soát.
Ngày 19/5 Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế đã phát đi công văn đề nghị các giám đốc bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế, cũng như giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và thủ trưởng ngành y tế các bộ, ngành cần triển khai loạt giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 để tránh tình trạng bất ngờ và thụ động nếu không may tình hình ca bệnh gia tăng.
Đồng thời Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động tránh lây nhiễm bệnh covid với những phương án bảo vệ như khẩu trang, tránh tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên…
Tuy nhiên tới nay tình hình Covid-19 không nghiêm trọng như trước nên người dân cũng cần tránh tâm lý hoang mang. Phần lớn ca mắc sẽ khỏi và không gặp biến chứng nghiêm trọng.