Muối vừng lạc là món ăn dân dã, dễ làm, dễ bảo quản, có thể sử dụng trong thời gian dài.
Đối với nhiều người Việt, muối vừng lạc là món ăn dân dã, quá đỗi quen thuộc, thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn. Muối vừng lạc có thể dùng để ăn với cơm, ăn kèm xôi, làm đồ chấm rau củ luộc đều rất ngon.
Chỉ cần một vài nguyên liệu đơn giản, bạn đã có ngay một lọ muối vừng lạc để ăn dần. Để làm muối vừng lạc thơm ngon, để lâu mà không vị hôi dầu, bạn cần biết những mẹo dưới đây.
Chọn và sơ chế nguyên liệu làm muối vừng lạc
– Chọn và sơ chế lạc
Với lạc, bạn cần chọn lạc khô chắc, đều hạt, tròn mẩy, phần vỏ lụa căng mịn. Có thể mua loại lạc cúc đỏ sẫm, hạt nhỏ và chắc, lạc rang lên sẽ càng thơm ngon.
Trước khi rang lạc, nên rửa qua lạc với nước để loại bỏ bụi bẩn. Việc rửa lạc cũng giúp giảm đi mùi ngái, vị chát của hạt lạc. Một số người còn chần lạc qua nước sôi. Cách rửa lạc, chần lạc này sẽ giúp hạt lạc chín đều từ trong ra ngoài khi rang, không bị tình trạng bên ngoài cháy, bên trong chưa chín. Ngoài ra, cách này cũng giúp lạc không bị tiết nhiều dầu, bị ỉu và hôi sau một thời gian bảo quản.
Bạn có thể rang lạc bằng chảo thông thường, dùng lò nướng, lò vi sóng, nồi chiên không dầu đều được.
Nếu rang bằng chảo, bạn nên để lửa vừa, đảo đều tay cho lạc ráo nước, chín từ trong ra ngoài. Trước đây, người ta hay dùng cát vàng lấy từ sông, đãi sạch rồi phơi khô, sau đó đổ vào chảo rang cùng lạc. Cát nóng sẽ giúp lạc chín đều, giòn lâu hơn.
Một số người cho muối hạt vào rang cùng lạc cùng giúp lạc chín đều, nhanh giòn.
Lạc rang chín xong nên đổ vào tờ giấy sạch rồi gói lại. Cho gói lạc vào trong một chiếc khăn bông sạch, cuốn chặt. Cách này sẽ giúp lạc giòn, thơm ngon hơn.
Lạc và vừng được rang thơm, để nguội trước khi đem giã để làm muối vừng lạc.
– Sơ chế vừng
Thông thường, với món muối vừng lạc, người ta sẽ sử dụng vừng trắng. Tuy nhiên, tùy sở thích, bạn có thể sử dụng vừng đen cũng được.
Trong lúc chờ ủ lạc, bạn có thể bắt đầu rang vừng.
Vừng đãi sạch, nhặt bỏ sạn rồi mới cho vào trong chảo để rang. Ban đầu, có thể thêm một chút nước để hạt vừng chín từ từ, giúp vừng để lâu vẫn thơm, không bị hôi dầu. Rang cho tới khi thấy hạt vừng nổ tí tách, dậy mùi thơm là được. Bỏ vừng ra khay, rải đều, đều cho nguội.
– Rang muối
Trong lúc chờ vừng nguội, bạn sẽ tiếp tục rang muối. Sử dụng muối hạt, rang kỹ ở lửa nhỏ tới khi hạt lạc chuyển sang màu đục hơn, có hạt “nhảy” lên khỏi mặt chảo, muối khô ráo hoàn toàn là được.
Việc rang muối này giúp muối vừng lạc khô, để được lâu hơn.
Giã muối vừng lạc
Sử dụng chày và cối để giã muối vừng lạc là ngon nhất.
Lạc tách hết phần vỏ bên ngoài rồi mới bỏ vào cối để ra. Giã nghiêng chày, thỉnh thoảng đảo đều. Không nên giã quá nhỏ khiến lạc chảy nhiều dầu, làm món ăn bị ỉu, hôi dầu. Đổ lạc đã giã ra bát lớn.
Tiếp tục giã vừng theo cách tương tự. Chỉ cần giã ở mức độ vừa phải giúp hạt vừng vỡ ra, tỏa ra hương thơm là được.
Phần muối rang cũng đem giã mịn.
Nhiều người muốn nhanh, tiết kiệm công sức sẽ bỏ các nguyên liệu vào máy xay. Cách này tốn ít thời gian, sức lực hơn nhưng sẽ không làm hạt lạc, hạt vừng tỏa ra mùi thơm bằng.
Cho vừng, lạc vào âu lớn, trộn đều. Từ từ thêm muối vào và đảo đều. Nếm thử sao cho vừa vị là được.
Muối vừng lạc có thể dùng với cơm nóng, cơm nguội, cơm nắm, xôi, làm đồ chấm rau củ luộc đều ngon.
Cho muối vừng lạc vào hũ sạch, đậy nắp kín và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát để dùng dần. Có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản trong thời gian dài. Mỗi lần ăn cần lấy thìa sạch, khô ráo múc một lượng muối vừng lạc vừa đủ ra ngoài. Sau đó, đậy kín nắp lọ để phần muối còn lại không bị ảnh hưởng đến chất lượng.
Cách rang lạc (đậu phộng) giòn tan, để lâu vẫn thơm ngon, không hôi dầu
Món lạc rang dễ chế biến nhưng cần những mẹo nhỏ đơn giản để lạc được giòn lâu, không bị hôi dầu.
Chọn lạc ngon
Để món lạc rang (đậu phộng rang) được ngon, bạn cần chọn loại lạc mới. Nên chọn lạc tròn mẩy, vỏ lụa căng, hạt chắc, khô, đều nhau. Thấy lạc có mùi hôi, có dấu hiệu ẩm mốc thì không nên mua.
Nhặt bỏ các hạt lép, hạt mốc để tránh ảnh hưởng đến mùi vị của món ăn, không tốt cho sức khỏe.
Rửa lạc
Khi rang lạc, nhiều người có thói quen cho lạc trực tiếp vào chảo để rang luôn. Tuy nhiên, bạn nên có bước rửa hoặc ngâm lạc để hạn chế tình trạng lạc bị tiết dầu, khiến lạc rang xong nhanh ỉu và dễ bị hôi.
Lạc mua về nên để vào rổ thưa rồi ngâm nước một lúc và xả nhẹ cho sạch.
Lạc mua về nên rửa sạch trước khi đem rang. Làm như vậy, lạc rang sẽ giòn lâu hơn.
Theo kinh nghiệm của các cửa hàng làm món lạc rang húng lìu nổi tiếng ở Hà Nội, người ta thường rửa lạc hoặc dội nước sôi già để chần lạc. Việc ngâm rửa lạc hoặc chần lạc nhanh trong nước sôi giúp loại bỏ bụi bẩn bám trên vỏ lạc, giảm mùi ngái và vị chát của lạc.
Ngoài ra, việc ngâm rửa lạc còn giúp lạc chín từ từ, chín đều từ trong ra ngoài. Làm theo cách này sẽ tránh được tình trạng bên ngoài hạt lạc bị cháy mà bên trong chưa chín, lạc sẽ giòn ngon, lâu ỉu.
Rang lạc
Cách rang lạc truyền thống là sử dụng chảo. Ngoài ra, ngày nay nhiều người sử dụng lò vi sóng, lò nướng hoặc nồi chiên không dầu để rang lạc, giúp tiết kiệm thười gian, công sức.
Với cách rang lạc truyền thống, bạn cần canh đều nhiệt, để lửa nhỏ giúp hạt lạc chín đều. Ngoài ra, cần phải đảo đều tay cho hạt lạc không bị cháy.
Cho lạc vào chảo ở lửa vừa, đảo đều tay cho lạc nhanh ráo nước. Ngày xưa, người ta thường lựa cát vàng ở sông, đãi sạch, phơi khô. Khi rang lạc sẽ cho cả cát cả lạc vào chảo đảo đều. Cách này giúp lạc chín đều và giòn hơn.
Khi rang lạc, bạn nên để lửa vừa và đảo đều tay.
Một số gia đình cho muối hạt vào rang cùng với lạc. Cách này cũng giúp làm chín đều, nhanh giòn và có vị đậm đà hơn.
Nếu sử dụng lò nướng hoặc nồi chiên không dầu, bạn có thể cho lạc vào rang trong vòng 10 phút với nhiệt độ 150 độ C. Sau đó, bỏ lạc ra đảo đều, cho vào rang tiếp với nhiệt độ 90 độ C trong vòng 30 phút. Thỉnh thoảng nên bỏ lạc ra để đảo đều và kiểm tra độ chín.
Nếu muốn rút ngắn thời gian, bạn có thể cho lạc vào nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 160 độ C trong 5-10 phút, tùy theo số lượng lạc.
Nếu dùng lò vi sóng, bạn cần để lạc thật ráo nước rồi mới cho vào lò để làm chín. Nên chia nhỏ lạc ra thành nhiều mẻ để lạc chín đều. Dàn đều lạc trên đãi rồi cho vào lò vi sóng, làm nóng trong khoảng 1 phút rồi bỏ ra và đảo đều. Lặp lại thao tác này khoảng 2-3 lần cho đến khi lạc chín như ý muốn là được.
Ủ lạc
Sau khi rang lạc, bạn nên cho lạc vào giấy và khăn sạch để ủ cho lạc được giòn lâu hơn.
Sau khi lạc đã chín, bạn đừng vội đổ ra đĩa/bát ngay. Nên chuẩn bị một vài tờ giấy sạch, trút lạc vào giấy, bọc kín lại rồi lấy khăn vải bọc bên ngoài. Cách này giúp lạc giòn ngon hơn.
Với món lạc rang húng lìu, người ta sẽ cho bột húng lìu (gồm các vị quế, hồi, thảo quả, đinh hương được rang thơm, xay mịn) vào xóc đều với lạc mới rang rồi đem ủ.
Ủ trong khoảng 1 tiếng đến khi lạc nguội là được. Cho lạc vào lọ sạch để dùng dần.