Vợ chồng nghèo đi xin sữa, nuôi con đỗ đại học Oxford:Hơn 40 năm nhường nhịn “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”.

Vợ chồng nghèo đi xin sữa, nuôi con đỗ đại học Oxford: Lúc khấm khá suýt ly hôn, 42 năm nhường nhau mà sống

Đôi vợ chồng từng có lúc khó khăn phải đi xin sữa cho con uống và nỗ lực nuôi con vào đại học danh giá ở Anh. 

Đó là câu chuyện đáng ngưỡng mộ của ông Nguyễn Ngọc Anh (70 tuổi) và vợ là bà Trần Bích Nga (67 tuổi) mà mình vừa xem từ chương trình Tình Trăm Năm. Kể về cơ duyên quen biết nhau, hai vợ chồng kể, năm xưa ông Anh vào miền Nam và tình cờ gặp bà Nga khi đến nhà của một người anh em chơi.

Thấy cô gái nhỏ nhắn ra mời nước, chàng trai trẻ như “trúng tiếng sét ái tình” và mong muốn được kết đôi. “Bà ấy xinh lắm nhưng hơi gầy, tạo cho tôi nhiều ấn tượng”, ông Anh nhớ lại.

Về phía bà Nga, bà từng có cảm tình với những anh bộ đội nên khi gặp ông Anh, bà ít nhiều có cảm tình.

hình ảnh

(Ảnh chụp màn hình chương trình Tình Trăm Năm)

Điều đặc biệt là ông Anh muốn “đánh nhanh thắng nhanh”. Chỉ sau 1 tháng tìm hiểu, ông đã ngỏ lời cầu hôn. Điều này khiến bà Nga có phần lo lắng. Tuy vậy, bà vẫn đồng ý cưới vì tin tưởng vào người đàn ông này. Năm 1981, cặp đôi tổ chức hôn lễ nhỏ có ít trà, bánh, kẹo…

Sau khi kết hôn, bà Nga phát hiện bị u nang buồng trứng nên phải phẫu thuật cắt bỏ. Bác sĩ kết luận bà không thể sinh con. Trong lúc đau buồn và cảm thấy có lỗi với chồng, bà đã khuyên người đàn ông của mình nên cưới vợ khác để sinh con nối dõi.

“Tôi bảo bà ấy, đó là chuyện của thế gian, mình hạnh phúc với nhau, ở bên nhau suốt đời là được. Gia đình tôi biết chuyện, mẹ tôi có tư tưởng tiến bộ nên bảo các con cứ thoải mái, sau này nhận con nuôi về cho vui cửa vui nhà cũng được”, ông Anh kể lại.

hình ảnh

(Ảnh chụp màn hình chương trình Tình Trăm Năm)

Thời gian trôi qua. 5 năm sau, bà Nga trong lúc học nhảy thì cơ thể có nhiều triệu chứng lạ. Cô giáo lờ mờ đoán bà Nga có bầu nhưng bà đã lắc đầu vì cho rằng mình không thể có được niềm vui này nữa.

“Về sau cơ thể mệt mỏi, tôi cứ uống thuốc rồi đi khám. Xấu hổ nên chọn khám ngoài giờ, vào cuối cùng bác sĩ mới bảo có bầu 4 tháng rồi. Tôi lo lắm, không biết em bé có bị ảnh hưởng gì không. Khoảng thời gian mang bầu căng thẳng, đến 7 tháng lại đi cấp cứu, nằm bất động trên giường, có mẹ và ộng xã chăm nom”, bà Nga kể về điều kỳ diệu khó tin.

Năm 1986, đôi vợ chồng đón con gái đầu lòng chào đời khỏe mạnh. Chứng kiến con bình an, người mẹ chực trào nước mắt. “Cả đời tôi nghĩ không bao giờ có con được nữa. Bà nội vui lắm. Đến giờ tôi vẫn cảm thấy biết ơn cuộc đời”, bà Nga bộc bạch.

hình ảnh

(Ảnh chụp màn hình chương trình Tình Trăm Năm)

Vợ chồng ông Anh từng có lúc khó khăn phải xin sữa đặc của hàng xóm cho con uống. Hai vợ chồng cố bươn chải bằng nghề mây tre đan để trang trải cuộc sống. Dần dần, công việc thuận lợi, bà Nga thuê thêm nhiều cơ sở để sản xuất. Nào ngờ, biến cố ập đến khiến cơ sở sản xuất của bà bị cháy rụi. Bà phải chạy vạy nhiều nơi để vay mượn, đền bù thiệt hại.

Năm 1999, bà Nga chuyển qua lĩnh vực bảo hiểm và dần gặt hái thành công, giúp kinh tế trong nhà cải thiện. Lúc dư dả hơn lại là khi vợ chồng gặp trục trặc, thậm chí suýt ly hôn. Bà Nga thường đi nước ngoài và công việc bận rộn, áp lực nên khiến bà dễ nóng giận, cáu gắt.

“Tôi nóng tính, cứ về đến nhà là cáu. Không khí trong gia đình ngột ngạt. Hai vợ chồng có cuộc nói chuyện đáng giá ngàn vàng. Tôi nói với chồng, em muốn làm vai trò của một người phụ nữ, nhưng muốn cuộc sống gia đình đi lên, một trong hai người phải hy sinh. Nếu như cơ hội đến với anh, em cũng sẽ hỗ trợ”, bà Nga kể.

hình ảnh

(Ảnh chụp màn hình chương trình Tình Trăm Năm)

Trong gần 50 năm hôn nhân, bí quyết giúp vợ chồng bà Nga ông Anh giữ được hạnh phúc bền chặt là sự nhường nhịn, thấu hiểu. Cô con gái của hai vợ chồng học rất giỏi, thành đạt và tốt nghiệp Đại học Oxford – ngôi trường đại học danh giá ở Anh và thuộc top 3 trường ĐH hàng đầu thế giới.

“Cảm ơn anh đã là hậu phương vững chắc, chăm sóc con để em có thời gian thực hiện công việc quan trọng, giúp cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn”, người vợ nhắn nhủ đến chồng.

hình ảnh

Điều khiến mình ấn tượng trong câu chuyện này là cách vợ chồng phối hợp ăn ý, người làm kinh tế, người là hậu phương vững chắc. Không phải lúc nào đàn ông cũng phải là trụ cột trong nhà. Miễn sao vợ chồng biết nhường nhịn, tạo mọi điều kiện để nửa kia phát triển như lời người xưa từng dặn: “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *