Nhiều người cho rằng thịt gà bị đỏ sau khi luộc là do chưa chín hẳn, nhưng đôi khi bạn luộc rất lâu nhưng vẫn có hiện tượng này, vì sao?
Khi chặt thịt gà luộc, thấy bị đỏ xương hoặc nước đỏ chảy ra, nhiều người cho rằng mình luộc gà chưa đủ thời gian, dẫn đến tình trạng trong sống ngoài chín. Thế nhưng có đôi lúc thịt gà luộc mãi vẫn đỏ, khiến người nấu đâm ra hoang mang, không còn tự tin vào tài nội trợ của mình.
Sai lầm khi luộc gà khiến thịt vừa tanh vừa đỏ
Chọn và sơ chế gà
Rửa và chà xát quá mạnh cũng là nguyên nhân khiến cho da gà bị nứt sau khi luộc. Việc chà kỹ bằng muối khiến cho lớp da bị mỏng đi, dễ nứt hơn. Còn nếu không để ráo nước sau khi rửa gà, món gà luộc sẽ dễ bị khô.
Tốt nhất là vệ sinh con gà nhẹ nhàng rồi để ráo, hoặc thấm phần nước đọng lại trên da trước khi luộc để giữ được bề ngoài căng đẹp cũng như phần thịt mềm mọng.
Không nên làm món luộc nếu con gà có trọng lượng quá lớn, gà công nghiệp, gà bị tiêm chất tăng trọng, bơm nước. Những con gà da nhão, thân gầy gò, ức trơ xương, lông xơ xác cũng không phù hợp. Món gà luộc đòi hỏi rất cao về chất lượng gà, phải là những con gà ngon nhất. Gà dở có thể dùng chế biến các món khác mà vẫn khá ổn, nhưng không thể luộc.
Để có con gà luộc hoàn hảo cả về hình thức lẫn chất lượng, bạn nên chọn loại gà ta tơ trọng lượng từ 1,5 -1,8kg. Gà phải trông khỏe mạnh, mào đỏ tươi, chân vàng, lông bóng mượt và ức đầy, phần thịt săn chắc.
Chọn nồi luộc gà
Sở dĩ nhiều người gặp tình trạng gà sau khi luộc bị bén cháy, nứt phần dưới, mào thâm đen là vì do chọn nồi luộc quá nhỏ, lượng nước không đủ, đáy nồi mỏng dễ bị bén cháy.
Nên sử dụng nồi sâu, đế dày, thành rộng để làm sao cho gà vào đổ được ngập nước gà hoặc tối thiểu 2/3 con gà.
Đặt gà nằm ngửa khi luộc gà
Khi chúng ta đặt con gà nằm ngửa để luộc, phần đùi, chân gà sẽ hướng lên trên, nước sẽ không ngập được hết nên gà dễ bị sống bên trong.
Chính vì vậy, khi luộc gà, mọi người nên để phần đùi gà úp xuống dưới, làm như vậy thịt cũng sẽ chín nhanh hơn do tiếp xúc với nhiệt nóng ở đáy nồi.
Chú ý gì khi luộc gà để thịt ngọt mềm, thơm ngon
Mẹo tránh tình trạng thịt gà luộc mãi vẫn đỏ
Dù không gây hại nhưng phần màu đỏ bên trong cũng làm miếng thịt gà trở nên mất thẩm mỹ, khiến nhiều người thấy sợ và ăn không ngon miệng.
Để không xảy ra tình trạng này, bạn hãy thay đổi nồng độ pH của môi trường bằng cách thêm chút giấm hoặc chanh. Việc dùng chanh và muối hạt chà xát khi sơ chế gà vừa giúp khử mùi hiệu quả vừa tác dụng hạn chế tình trạng thịt gà luộc mãi vẫn đỏ.
Một mẹo khác là ướp một chút nước cốt chanh hoặc giấm. Cách này vừa giúp da giòn hơn vừa hạn chế myoglobin biến đổi khi tiếp xúc không khí trong lúc luộc.
Tình trạng thịt gà luộc mãi vẫn đỏ sẽ không xảy ra nếu xương được tách ra trước khi luộc. Nếu không có xương với myoglobin xung quanh để “nhuộm màu”, phần thịt gà sẽ không bị đỏ.
Luộc gà bao nhiêu phút thì chín?
Gà luộc ngon nhất là khi vừa chín tới. Việc kiểm soát thời gian và nhiệt độ rất quan trọng.
Nếu luộc gà bằng nước lạnh, bạn cho gà vào nồi, đổ nước vừa ngập con gà rồi đặt lên bếp. Ban đầu, hãy để lửa vừa, đến khi nước sôi lăn tăn thì hớt bỏ bọt và vặn nhỏ lửa, khi gà sôi được 10 phút thì tắt bếp, đậy kín vung nồi và om gà thêm 20 phút để thịt chín đều, không bị rách da, đỏ xương.
Nếu gà có kích thước lớn, bạn có thể luộc thêm 5-10 phút rồi mới tắt bếp, đậy vung để om cho gà chín.
Còn nếu luộc bằng nước nóng, bạn không nên thả ngay con gà vào nồi nước đang sôi vì sẽ làm nứt da. Bạn hãy cầm con gà nhúng vào nồi nước nóng 2-3 lần để nó “làm quen” với nhiệt độ cao rồi mới đặt hẳn xuống, đậy vung và đun cho nước sôi trở lại. Sau đó, bạn giảm nhỏ lửa để nước sôi lăn tăn, dùng muôi vớt bỏ bọt.
Gà từ 1,5kg-1,8kg cần được luộc trong khoảng 10-15 phút; nếu gà nặng 2kg-2,5kg thì nên luộc trong 15-20 phút. Tắt bếp và đậy kín vung để ủ gà thêm 10-15 phút cho thịt chín đều và không bị đỏ xương.
Gà sau khi luộc xong vớt ra ngâm vào âu nước đá để da giòn. Khi nguội vớt ra để ráo nước rồi mới chặt.
Chú ý không chặt khi gà còn nóng vì làm thịt gà chảy nước, giảm độ ngọt ngon. Hơn nữa làm da và thớ thịt bung ra, thiếu thẩm mĩ.